Chỉ còn vài tháng nữa thôi, một kỳ thi THPT Quốc gia đầy quan trọng đối với tương lai của các sĩ tử lớp 12 chuẩn bị diễn ra. Trong đề thi môn Ngữ Văn, luôn luôn có câu hỏi liên quan đến các phong cách ngôn ngữ. Thấu hiểu nỗi lo lắng của các em học sinh, bài viết này sẽ giải đáp tất cả thắc mắc, từ câu hỏi có mấy loại phong cách ngôn ngữ cho đến cách phân biệt chúng. Từ đó, các em sẽ dễ dàng hiểu và trả lời đúng để đạt điểm tuyệt đối phần Đọc – hiểu trong bài thi.
Mục lục:
Phong cách ngôn ngữ là gì?
Nói đến phong cách, ta luôn hình dung đó là nét riêng biệt, độc đáo, nổi bật để phân biệt đối tượng/cá thể này với đối tượng/cá thể khác. Và phong cách ngôn ngữ cũng tương tự như thế. Đó là cách diễn đạt (bao gồm nói và viết) trong những hoàn cảnh nhất định, theo cách thức nhất định để tạo thành kiểu diễn đạt khác nhau.
Khi ngôn ngữ trở nên phổ biến và trở thành loại hình, phương tiện giao tiếp, con người dần dần suy nghĩ để tối đa hóa cách diễn đạt. Làm sao trong mỗi hoàn cảnh đều thể hiện sắc thái, cảm xúc, ý nghĩa một cách trọn vẹn nhất. Đó là lý do phong cách ngôn ngữ dần dần được hình thành và phát triển thành những loại khác nhau.
Trong các tác phẩm văn học, phong cách ngôn ngữ là yếu tố quan trọng không thể thiếu để thể hiện cái tôi, nét riêng độc nhất của mỗi tác giả. Chỉ cần đọc một vài đoạn, độc giả ngay lập tức nhận ra nhà văn, nhà thơ là nhờ phong cách ngôn ngữ.
Có mấy loại phong cách ngôn ngữ?
Để nhận biết chính xác phong cách ngôn ngữ trong đề thi, trước hết các em học sinh cần phải biết có mấy loại phong cách ngôn ngữ khác nhau. Hiện nay, phong cách ngôn ngữ được chia thành 6 nhóm:
+ Phong cách ngôn ngữ Sinh hoạt
+ Phong cách ngôn ngữ Nghệ thuật
+ Phong cách ngôn ngữ Báo chí
+ Phong cách ngôn ngữ Chính luận
+ Phong cách ngôn ngữ Hành chính
+ Phong cách ngôn ngữ Khoa học
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Khái niệm
Phong cách Ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người không mang tính hình thức trang trọng. Ta dùng chúng để trao đổi thông tin, suy nghĩ, tư tưởng, thái độ, tình cảm,… với người thân, bạn bè nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Phân loại
+ Dạng nói (đối thoại, độc thoại, đàm thoại)
+ Dạng viết: nhật ký, thư từ, nhắn tin, video call trên mạng xã hội, tin nhắn điện thoại,…
+ Dạng lời nói tái hiện: vừa mô phỏng lời nói trong đời sống vừa sáng tạo, biến tấu, kết hợp với các thể loại văn bản khác như truyện ngắn, tiểu thuyết, chèo, tuồng, kịch,…
Đặc trưng
Có 3 đặc trưng:
+ Tính cụ thể: Ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện sự cụ thể về thời gian, nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp và cách thức giao tiếp…
+ Tính cảm xúc: Thông qua ngôn ngữ sinh hoạt, người nói không chỉ thể hiện thông điệp mà còn có khả năng bày tỏ cảm xúc, thái độ của mình thông qua giọng điệu, các trợ từ, thán từ, linh hoạt trong cách sử dụng kiểu câu
+ Tính cá thể: Mỗi người có một đặc trưng riêng và điều đó thể hiện trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày. Những điểm riêng biệt đó có thể là về giọng nói, cách phát âm, tông giọng, cách dùng từ, cách nhấn nhá. Qua đó, người nghe sẽ phân biệt đặc điểm của người nói về giới tính, tuổi tác, tính cách, sở thích, nghề nghiệp,…
>> Xem thêm
Đặc điểm
– Ngữ âm:
+ Vì phong cách ngôn ngữ sinh hoạt được sử dụng trong văn nói, văn viết hàng ngày nên không hướng đến chuẩn mực ngữ âm. Chúng thiên hướng nhiều về sự thoải mái, tự nhiên, không gò ép trong cả cách phát âm lẫn điệu bộ, cử chỉ.
+ Bởi vì mỗi người một cá tính riêng nên ngữ điệu mang tính tự phát, mang dấu ấn riêng của người nói.
– Từ ngữ
+ Thường dùng những từ mang tính cụ thể, giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm
+ Có một số từ chỉ chuyên dùng cho phong cách ngôn ngữ sinh hoạt vì tính suồng sã, bình dị, không thể dùng trong các phong cách khác, đặc biệt là phong cách ngôn ngữ khoa học và chính luận.
+ Sử dụng nhiều từ láy, chủ yếu là dùng câu đơn thay vì câu ghép.
+ câu cảm thán, câu chào hỏi, ứng xử,… được sử dụng nhiều.
+ Đôi khi vì để tiết kiệm thời gian, người nói có thể nói tắt bằng cách kết hợp với những từ tượng thanh, tượng hình, cách nói ví von, so sánh, chuyển nghĩa ẩn dụ hoặc hoán dụ. Tuy nhiên, phải biết nói tắt theo một quy tắc nhất định và đúng hoàn cảnh, tránh những kết hợp không có quy tắc.
– Diễn đạt: Cách diễn đạt khá tự do, không có quy củ, tùy thuộc vào tâm lý, cảm xúc của người nói.
Cách nhận biết
Nếu trong bài thi, các em nhìn thấy đoạn trích về đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm của nhân vật hoặc một bức thư, nhật ký thì khả năng lớn là phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Phong cách ngôn ngữ khoa học
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ khoa học là loại ngôn ngữ dùng để giao tiếp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, đây là phong cách đặc trưng chỉ dùng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu.
Khác với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt mang tính phổ cập thì phong cách này chỉ tồn tại trong môi trường hàn lâm, của những người làm về khoa học (ngoại trừ dạng phổ cập khoa học)
Phân loại
+ Văn bản khoa học chuyên sâu: dùng để giao tiếp giữa những người làm công việc nghiên cứu trong các ngành khoa học chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận,…
+ Văn bản khoa học và giáo khoa: bao gồm giáo trình, sách giáo khoa, bài giảng,… Nội dung có thể được trình bày theo cấp độ từ thấp đến cao, dễ đến khó, khái quát đến cụ thể, có lí thuyết lẫn bài tập kèm theo.
+ Văn bản khoa học phổ cập: điển hình như báo, sách, tạp khoa học kĩ thuật mà hầu hết người dân dễ dàng tìm mua ở mọi nơi, Chúng không phân biệt trình độ để nhằm phổ cập rộng rãi kiến thức khoa học cho mọi người,
Đặc trưng
– Tính khái quát, trừu tượng :
+ Phong cách ngôn ngữ khoa học sử dụng rất nhiều thuật ngữ khoa học trong từng lĩnh vực nhất định. Vì thế nếu là người không có chuyên môn sẽ rất khó hiểu.
+ Kết cấu văn bản cụ thể, chi tiết, rõ ràng từng đề phục. Chúng mang tính khái quát cao, các luận điểm, luận cứ được trình bày theo theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, từ cao đến thấp, từ khái quát đến cụ thể.
– Tính lí trí, logic:
+ Không sử dụng từ nhiều nghĩa, nghĩa bóng, từ láy, từ cảm thán,… Tất cả các từ chỉ dùng với một nghĩa, không dùng các biện pháp tu từ để đảm bảo khách quan và rành mạch, chính xác.
+ Câu văn thường là câu đơn với cú pháp chuẩn, có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
+ Giữa các câu văn với nhau, đoạn văn với nhau, từng phần với nhau có kết câu chặt chẽ, từ đó tạo nên một tổng thể bài viết hoàn hảo, có tính logic cao.
– Tính khách quan, phi cá thể: Vì sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nên yếu tố cảm xúc luôn là điều tối kỵ. Phong cách ngôn ngữ khoa học mang sắc thái trung hoà, hầu như rất ít bộc lộ cảm xúc, thái độ của người viết.
Đặc điểm và cách nhận biết
Ngoài sử dụng các từ ngữ chuyên môn, chỉ có trong những lĩnh vực khoa học thì còn các ký hiệu, công thức, sơ đồ, bảng tổng kết, so sánh, mô hình hóa học. Nếu trong đề thi các em nhận thấy những dấu hiệu này cộng với cách diễn đạt logic, chặt chẽ thì đó là phong cách ngôn ngữ khoa học.
Phong cách ngôn ngữ báo chí
Khái niệm
Như đã giải đáp thắc mắc có mấy loại phong cách ngôn ngữ ở trên, phong cách ngôn ngữ báo chí là loại thứ 3. Đây là ngôn ngữ dùng dùng trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, với mục đích thông báo tin tức thời sự ở trong nước lẫn quốc tế, phản ánh chính kiến và dư luận quần chúng.
Ta có thể bắt gặp phong cách ngôn ngữ báo chí trong các bản tin thời sự, đoạn phóng sự, tiểu phẩm, quảng cáo, bình luận bóng đá, thư bạn đọc, phát thanh,…
Phân loại
có 2 dạng chính
- Dạng nói: bao gồm thuyết minh, phỏng vấn miệng trong các buổi phát thanh/ truyền hình
- Dạng viết: báo in, báo điện tử,
Đặc trưng
– Tính thông tin sự kiện
+ Vì dùng trong các bản tin yêu cầu cao về mặt thời gian nên tin tức luôn được cập nhật liên tục theo từng diễn biến câu chuyện. Ngoài ra, nhanh thôi chưa đủ. Còn cần phải chính xác và đầy đủ, chi tiết
+ Đảm bảo tính khách quan. Phong cách ngôn ngữ báo chí hạn chế bày tỏ thái độ, quan điểm của người viết, đưa tin khách quan, nhiều chiều, trung lập. Tuy nhiên, dựa theo lượng thông tin đăng tải còn có khả năng định hướng dư luận..
– Tính ngắn gọn: Ngôn ngữ diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng hàm lượng thông tin truyền tải vẫn rất cao.
– Tính sinh động, hấp dẫn: Nếu chỉ đơn giản là đọc lại một đoạn văn mẫu có sẵn rất khó thu hút người nghe. Phong cách ngôn ngữ này yêu cầu hình thức diễn đạt hấp dẫn, mới lạ để lôi kéo sự chú ý. Cách dùng từ, đặt câu, đặt tiêu đề kích thích trí tò mò của người đọc.
Đặc điểm
– Về từ vựng: phong cách ngôn ngữ báo chỉ sử dụng nhiều lớp từ rất phong phú, mỗi thể loại có một trường từ vựng đặc trưng.
– Về ngữ pháp: Câu văn đa dạng nhưng diễn đạt thường ngắn gọn, mạch lạc, chủ yếu là câu đơn.
– Về các biện pháp tu từ: Sử dụng khá nhiều biện pháp tu từ để tăng hiệu quả diễn đạt. Tuy nhiên, chúng chỉ được dùng với lượng vừa phải, không nhiều như phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Cách nhận biết
Nếu nhìn thấy một đoạn báo, bản tin ghi rõ nguồn bài viết (ở báo nào, phát hành ngày nào, tác giả là ai) cùng với thông tin về thời gian, nơi chốn, nhân vật trong sự kiện có tính thời sự thì đó chính là phong cách ngôn ngữ báo chí.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật được dùng đa số trong các tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Chúng thể hiện đặc trưng, cái tôi, nét riêng biệt độc đáo của mỗi nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu thuyết,… Hơn nữa, phong cách này cũng không giới hạn về không gian, thời gian và đối tượng giao tiếp.
Chức năng của phong cách ngôn ngữ báo chí bao gồm chức năng thông tin và đồng thời thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người. Chúng được mài dũa, thêm bớt, nhấn nhá, sắp xếp tỉ mỉ để đạt đến đỉnh cao vẻ đẹp của thẩm mỹ nghệ thuật.
– Phạm vi sử dụng:
+ Dùng trong văn bản nghệ thuật: Ngôn ngữ tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình, hồi kí…); Ngôn ngữ trữ tình (ca dao, vè, thơ…); Ngôn ngữ sân khấu (kịch, chèo, tuồng…)
+ Phần thiểu số còn lại xuất hiện trong văn bản chính luận, báo chí, lời nói hằng ngày…
Đặc trưng
+ Tính hình tượng: Là khả năng mà ngôn ngữ có thể làm tái hiện lại hiện thực, giúp người đọc hình dung, cảm nhận chính xác màu sắc, hình ảnh, không khí, cảm giác,… trong văn bản bằng vốn sống, tri thức và suy nghĩ của mình. Từ đó, họ rút ra những bài học nhân sinh quý giá. Các biện pháp tu từ như ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, hoán dụ, điệp được sử dụng rất nhiều
+ Tính truyền cảm: giúp cho người nghe, người đọc cũng cảm nhận được tâm trạng của người viết, từ vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ, sung sướng,… như đang hóa thân vào chính tác giả, từ đó tạo nên sự đồng điệu sâu sắc về mặt tâm hồn. Ngôn ngữ nghệ thuật, có khả năng gây cảm xúc, ấn tượng mạnh với người đọc, người nghe.
+ Tính cá thể: Đây là dấu ấn riêng biệt của mỗi nhà thơ, nhà văn lặp lại trong mỗi đoạn văn, câu thơ, bài viết. Bằng khả năng, sở trường, giọng điệu riêng, rất khó để ai đó bắt chước, sao chép. Tính cá thể hóa của ngôn ngữ còn thể hiện trong lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Ta nhận ra mỗi nhân vật đều có tính cách riêng.
Cách nhận biết
Nếu trong đề đọc hiểu, các em thấy một đoạn tiểu thuyết, truyện ngắn, đoạn thơ, ca dao, tùy bút, hồi ký,… thì hãy mạnh dạn trả lời đó là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Phong cách ngôn ngữ chính luận
Khái niệm
Đây là loại ngôn ngữ dùng trong các văn bản chính luận, lĩnh vực chính trị – xã hội hoặc lời nói miệng trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự. Người nói thường trình bày chính kiến, bình luận, đánh giá công khai quan điểm chính trị của mình về những sự kiện, vấn xã hội, văn hóa, tư tưởng,…
Thời trung đại, chúng thể hiện rõ trong các bản cáo, hịch, chiếu, biểu… Trong thời hiện đại, phong cách ngôn ngữ này xuất hiện chủ yếu ở các cương lĩnh, tuyên ngôn, tuyên bố, lời kêu gọi, hiệu triệu, xã luận, bình luận, tham luận,…
Phân loại
Có 2 dạng tồn tại bao gồm:
+ Dạng nói
+ Dạng viết.
Đặc trưng
– Tính công khai về quan điểm chính trị:
Ngôn ngữ chính luận phải bày tỏ chính kiến, quan điểm của người viết một cách rõ ràng. Không được che giấu, úp mở, nửa vời, không công khai và không dứt khoát. Vì lời nói một khi đã nói ra thì khó rút lại nên các từ ngữ phải được chọn lọc kỹ càng, tránh sử dụng từ ngữ mơ hồ, gây hiểu lầm, gây tranh cãi.
Câu văn viết chặt chẽ, mạch lạc, tránh sử dụng câu phức để không làm người đọc hiểu nhầm, lẫn lộn lập trường của người viết.
– Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận:
Để bày tỏ thái độ của tác giả một cách rõ ràng yêu cầu bài viết phải có một trình tự logic nhất định. Chúng được cấu thành từ hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc. Đồng thời sử dụng từ ngữ liên kết rất chặt chẽ như thế nên, vì thế, do đó, tuy… nhưng…, tóm lại,… Những dẫn chứng phải chính xác, có thể chứng minh có căn cứ dựa trên khoa học.
– Tính truyền cảm, thuyết phục: Từ những lý lẽ đã đưa ra cộng với giọng văn hùng hồn, lôi cuốn, có nhấn nhá sẽ thu hút, thuyết phục, định hướng được tư tưởng của bạn đọc tán thành theo người viết.
Đặc điểm
– Về từ ngữ: vừa sử dụng ngôn ngữ thông thường vừa có khá nhiều từ ngữ chính trị Ngoài ra còn sử dụng các từ ngữ liên kết như vì thế, do đó, Tuy,… nhưng,…
– Về ngữ pháp: Câu văn gồm có câu đơn và câu phức, có kết cấu chuẩn mực. Những câu văn, đoạn văn liên kết với nhau chặt chẽ, tạo nên một hệ thống logic có mở – thân – kết rõ ràng khó bắt bẽ.
– Về các biện pháp tu từ: sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tăng sức hấp dẫn cho lí lẽ, lập luận.
Cách nhận biết
Trong đề thi Đọc – hiểu có nội dung liên quan đến vấn đề về văn hóa, chính trị, xã hội, trích dẫn lời phát biểu của các nguyên thủ quốc gia trong hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự, đồng thời bày tỏ rõ thái độ đồng ý/phản đối/tán thành/phẫn nộ/vui mừng của người viết thì đó là phong cách ngôn ngữ chính luận.
Phong cách ngôn ngữ hành chính
Khái niệm
Như đã trả lời cho câu hỏi có mấy loại phong cách ngôn ngữ, phong cách ngôn ngữ hành chính là loại ngôn ngữ cuối cùng. Nó được sử dụng trong văn bản hành chính hoặc lời nói miệng trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự,… Nó nhằm mục mục đích giao tiếp giữa Nhà nước với người dân, giữa cơ quan, ban ngành với nhau, giữa nước này với nước khác dựa trên cơ sở pháp lí.
Chức năng
– Chức năng thông báo: thể hiện ở giấy tờ hành chính thông thường như: văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, hoá đơn, hợp đồng, hộ chiếu,…
– Chức năng sai khiến: bộc lộ trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc trưng
– Tính khuôn mẫu : Nếu cùng một thể loại, mỗi văn bản hành chính đều tuân thủ 1 khuôn mẫu nhất định. Không có trường hợp thay đổi chỗ này một chút chỗ kia một chút để tạo sự thống nhất chung.
– Tính minh xác: Tất cả những phép tu từ, biện phép nhân hóa, so sánh, ẩn dụ,… đều không được sử dụng một cách tuyệt đối. Người viết không tùy tiện xóa bỏ, thay đổi, sửa chữa nội dung. Từng dấu câu, từ ngữ, chữ ký, thời gian đều phải dảm bảo chính xác.
– Tính công vụ: Trong phong cách ngôn ngữ hành chính không cho phép thể hiện cảm xúc, không dùng từ ngữ biểu hiện quan hệ, tình cảm, thái độ của cá nhân. Nếu có, chúng rất ít và chỉ mang tính ước lệ, ví như kính mong, kính gửi, trân trọng cảm ơn,… Các từ ngữ thuộc lớp từ toàn dân, không dùng từ địa phương, khẩu ngữ,…
Cách nhận biết
Nếu nhìn thấy phần mở đầu có tiêu ngữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phần kết thúc có chữ ký, ngày tháng, dấu mộc đỏ của cơ quan thức năng thì đó là văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính.
Để phân biệt các phong cách ngôn ngữ này và đạt điểm tuyệt đối trong phần đọc hiểu của đề thi môn Ngữ Văn THPT quốc gia không quá khó. Nếu đã xác định được có mấy loại phong cách ngôn ngữ khác nhau thì việc nhìn ra dấu hiệu của chúng sẽ đơn giản hơn nhiều. Chúc các em có được số điểm mong muốn trong kỳ thi sắp tới nhé.